Hãy Cứ Ở Lại Trong Hội Thánh

3,134 views

Một Bài Giảng Rất Quan Trọng Trong Năm 2018
Hãy Cứ Ở Lại Trong Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Xin xem chi tiết trong phần ghi chú ở cuối bài này.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive:
https://od.lk/d/MV8xNzUwNDc3MzZf/201809_HayCuOLaiTrongHoiThanh.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201809_haycuolaitronghoithanh
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/2dmwxmn6qwgsiht/201809_HayCuOLaiTrongHoiThanh.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive:
https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có một động từ rất đặc biệt, đó là động từ: μένω, (G3066), chuyển ngữ sang tiếng Anh: menō, phiên âm: me’-nō, phát âm theo tiếng Việt: mế-nồ, có nghĩa: “Cứ ở lại; cứ chờ đợi; đừng ra đi; đừng thay đổi.” Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau áp dụng từ ngữ này vào trong lời khuyên sau đây: Hãy cứ ở lại trong Hội Thánh!

Hãy cứ ở lại trong Hội Thánh” cùng nghĩa với: “Hãy cứ ở lại trong Đấng Christ”, vì Hội Thánh chính là thân thể của Đấng Christ. Đấng Christ đã kêu gọi các môn đồ của Ngài:

Các ngươi hãy cứ ở trong Ta và Ta trong các ngươi. Như nhánh nho không thể tự mình kết quả trừ khi nó cứ ở trong gốc nho, thì các ngươi cũng vậy, nếu các ngươi không cứ ở trong Ta. Ta là gốc nho, các ngươi {là} những nhánh nho. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy {thì} người ấy sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, chẳng có điều gì các ngươi có thể làm được.” (Giăng 15:4-5).

Như chúng ta đã biết và tin: Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi; được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch mọi tội lỗi; được Đức Thánh Linh ban cho thánh linh của Thiên Chúa, tức là quyền, năng lực, và các ân tứ, để người ấy bắt đầu sống một đời sống mới trong Đức Chúa Jesus Christ. Bước kế tiếp là người ấy vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, chịu báp-tem vào trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Kể từ đó, người ấy được ở trong Hội Thánh, được trở thành một chi thể trong thân thể của Đức Chúa Jesus Christ.

Được ở trong Hội Thánh là một đặc quyền do Đức Chúa Trời ban cho mà không phải ai cũng được. Các thánh đồ của Đức Chúa Trời trước thời Cựu Ước, từ A-đam cho đến Môi-se; các thánh đồ của Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước, từ Môi-se cho đến Giăng Báp-tít; các thánh đồ của Đức Chúa Trời trong Kỳ Đại Nạn và trong thời Vương Quốc Ngàn Năm đều không có được đặc quyền này. Bởi vì hai lẽ sau đây:

  • Hội Thánh chỉ được Đức Chúa Jesus Christ thành lập trong thời Tân Ước:

Nhưng Ta cũng phán với ngươi rằng, ngươi là Phi-e-rơ, và trên vầng đá này Ta sẽ lập Hội Thánh của Ta. Các cửa của âm phủ sẽ chẳng thắng được nó.” (Ma-thi-ơ 16:18).

  • Hội Thánh sẽ được Đức Chúa Jesus Christ đem ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế:

Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Ta trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:3).

Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Vì ngươi đã giữ lời nhẫn nại của Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ của sự thử thách, là giờ đến trên khắp thế gian, thử nghiệm hết thảy những kẻ cư trú trên đất.” (Khải Huyền 3:10).

Lời Chúa trong Khải Huyền 3:10 giúp cho chúng ta biết rằng, sự kiện Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, như Ngài đã hứa trong Giăng 14:3 và như Đức Thánh Linh đã diễn tả trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17, là sự kiện sẽ xảy ra trước bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Vì thế, chỉ có những người tin nhận Chúa trong khoảng thời gian từ khi Hội Thánh được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 27, cho đến khi Hội Thánh được Đức Chúa Jesus Christ cất ra khỏi thế gian trong một ngày rất gần đây, mới được Đức Chúa Trời ban cho đặc quyền ở trong Hội Thánh [1], [2], [3], [4].

Tuy nhiên, được ở trong Hội Thánh không có nghĩa là sẽ đương nhiên ở lại trong Hội Thánh. Sự được ở trong Hội Thánh là sự Đức Chúa Trời làm cho bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng để có thể cứ ở lại trong Hội Thánh thì mỗi người phải tự quyết định và hành động. Quyết định chọn cứ ở lại và hành động vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa [5].

Nếu chúng ta không chọn ở lại thì chúng ta sẽ rời khỏi Hội Thánh. Nếu chúng ta rời xa Hội Thánh thì chúng ta cũng rời xa chính Đức Chúa Jesus Christ, vì Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chúng ta rời xa Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta sẽ đương nhiên ở trong sự chết đời đời, tức là mãi mãi bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, và bị giam trong hỏa ngục.

Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta người ấy bị ném ra ngoài, như một nhánh và nó bị khô đi. Người ta gom nhặt chúng và ném vào trong lửa, thì nó bị cháy.” (Giăng 15:6).

Nếu chúng ta chọn ở lại nhưng chúng ta không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa thì tâm thần của chúng ta sẽ không kết trái, và chính Đức Chúa Trời sẽ chặt bỏ chúng ta. Nếu chúng ta chọn ở lại nhưng chúng ta không hết lòng sống theo Lời Chúa, không kết nhiều trái, thì Đức Chúa Trời sẽ tỉa sửa chúng ta.

Bất cứ nhánh nào trong Ta {mà} không mang trái, {thì} Ngài chặt bỏ nó; và {nhánh nào} mang trái, {thì} Ngài tỉa nó, để nó mang nhiều trái hơn [Ê-sai 19:5].” (Giăng 15:2).

Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22-23).

Nếu sau khi được Đức Chúa Trời tỉa sửa mà chúng ta vẫn không thay đổi thì chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ từ bỏ chúng ta:

Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không lạnh cũng không nóng, Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Khải Huyền 3:16).

Lạnh” là tình trạng không biết Chúa, không tin Chúa, không đi theo Chúa. “Nóng” là tình trạng biết Chúa, tin Chúa, sốt sắng đi theo Chúa, yêu thích Lời Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa. “Hâm hẩm” là tình trạng biết Chúa, tin Chúa, nhưng không có lòng sốt sắng đi theo Chúa, không tha thiết làm theo Lời Chúa.

Trong suốt khoảng thời gian gần hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh, có hàng chục triệu người biết Chúa, tin Chúa, hết lòng vâng giữ Lời Chúa, đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống để giữ vững đức tin. Chúng ta gọi họ là những thánh đồ tử Đạo. Chữ “Đạo” trong “tử Đạo” không có nghĩa là tôn giáo, mà có nghĩa là đường lối của Thiên Chúa, là ý muốn của Đức Chúa Trời về đời sống của loài người. “Đạo” còn là chính Đức Chúa Jesus Christ, là sự giãi bày về Đức Chúa Trời cho loài người. Đức Chúa Jesus Christ phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống!” (Giăng 14:6). Hàng chục triệu thánh đồ của Đức Chúa Trời đã bị thế gian tàn sát vì họ không chịu từ bỏ ý muốn của Đức Chúa Trời, sự hiểu biết về Đức Chúa Trời qua Thánh Kinh, và đức tin của họ nơi Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Mỉa mai thay, số thánh đồ tử Đạo vì bị các giáo hội mang danh Chúa tàn sát lại nhiều hơn số thánh đồ tử Đạo vì bị những người không tin Chúa tàn sát [6].

Nhưng cũng trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh có vô số người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà lại không sống theo Lời Chúa, nên không kết trái. Người thì không thể chịu khó, chịu khổ vì danh Chúa, người thì vẫn say mê những sự thuộc về thế gian, hoặc quá lo lắng về nhu cầu trong cuộc sống, nên tâm thần không kết trái lành; rồi cuối cùng đã không giữ được đức tin, bị Đức Chúa Trời chặt bỏ. Có một sự say mê điều thuộc về thế gian tinh vi nhất mà hầu như ai cũng vấp phạm. Đó là sự kiêu ngạo, xem mình là đáng tôn trọng hơn người khác, xem thường người khác, không nhận lỗi khi có lỗi. Lòng tự ái không đúng cũng là một hình thức kiêu ngạo. Lại có không ít những người hăng say, nồng nhiệt trong buổi đầu nhưng ít lâu sau, vì thiếu sự tương giao mật thiết với Chúa, thiếu sự suy ngẫm Lời Chúa, nên không có năng lực của Chúa, mà sa ngã và lui đi trong đức tin. Những người như vậy, đã được Đức Chúa Trời ban cho đặc ân ở trong Hội Thánh, nhưng họ đã không cứ ở lại trong Hội Thánh.

Ngoài ra, có vô số người mang danh là môn đồ của Đấng Christ nhưng trong thực tế, họ chưa bao giờ thật lòng ăn năn tội. Họ chỉ tuyên xưng đức tin trên môi miệng để được sinh hoạt trong Hội Thánh, và lợi dụng Hội Thánh, nhưng thực tế, Đức Chúa Jesus Christ không hề biết đến họ. Họ chưa bao giờ được nhập vào trong Hội Thánh. Trong số đó, không ít những người được các giáo hội phong cho chức “mục sư”, trưởng lão, chấp sự! Và chắc chắn, không ít những người mang học vị tiến sĩ Thần học, tiến sĩ mục vụ quay cuồng trong các giáo hội, làm người mù dắt kẻ đui, tiếp tục đào tạo ra những người giống như họ! Họ trơ tráo phong cho nhau danh hiệu “bậc đáng tôn kính” (reverend) là danh hiệu của Thiên Chúa (Thi Thiên 111:9) [7]. Họ khoe khoang mục vụ của họ như lời Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri về họ:

Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng {nhân} danh Chúa nói tiên tri sao? {Nhân} danh Chúa trừ quỷ sao? Và {nhân} danh Chúa làm nhiều phép lạ sao?” (Ma-thi-ơ 7:22).

Nhưng Đức Chúa Jesus Christ sẽ phán với họ:

Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi {là những kẻ} làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:23).

Theo thống kê năm 2015, tổng số người mang danh là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ trên khắp thế giới là vào khoảng 2,3 tỷ. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 41.000 tổ chức tôn giáo, giáo phái mang danh Đấng Christ. Và trung bình mỗi năm khắp nơi có khoảng 160.000 người bị giết vì là môn đồ của Đấng Christ [8].

Hội Thánh của Chúa không phải là các tổ chức tôn giáo, các giáo phái mang danh Chúa, mặc dù trong các tổ chức ấy có các con dân chân thật của Chúa sinh hoạt. Hội Thánh của Chúa là sự hiệp một của tất cả những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, địa phương, địa vị xã hội, trình độ học thức, phái tính, tuổi tác… Nhưng chỉ những ai hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì mới kết trái và còn lại trong Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh chỉ là một số ít người so với tổng số của toàn thể loài người. Đức Chúa Jesus Christ gọi Hội Thánh là “bầy nhỏ”.

Các ngươi hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào đó. Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:13-14).

Đừng sợ! Hỡi bầy nhỏ! Vì Cha của các ngươi đã bằng lòng ban cho các ngươi Vương Quốc {Trời}.” (Lu-ca 12:32).

Hội Thánh của Chúa không có một danh xưng nào khác hơn là các danh xưng đã được Đức Thánh Linh dùng trong Thánh Kinh mà chúng tôi đã trình bày trong bài giảng “Hội Thánh: 01 Tên Gọi, Ý Nghĩa, và Đặc Tính” [9].

Hội Thánh của Chúa thể hiện sự có mặt của Hội Thánh trong từng địa phương, qua sự nhóm hiệp của con dân Chúa, để thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa, phụng sự Chúa. Con dân chân thật của Chúa sẽ thường xuyên nhóm hiệp trong sự nhóm hiệp của Hội Thánh ở mỗi địa phương, mà quan trọng hơn hết là sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát, theo Lời Chúa dạy. Dĩ nhiên, con dân Chúa có thể nhóm hiệp bất kỳ lúc nào để thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa, nhưng sự nhóm hiệp vào ngày Sa-bát là mệnh lệnh của Chúa, đã được ghi rõ trong Thánh Kinh. Bỏ qua sự nhóm hiệp của Hội Thánh trong ngày Sa-bát là hành động nghịch lại mệnh lệnh của Chúa.

Công việc được làm {trong} sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy {là} Sa-bát của Lễ Nghỉ, {là} một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy {là} Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo {nhau}, và {khuyên bảo} càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát.] (Hê-bơ-rơ 10:25).

Hội Thánh của Chúa sẽ được hiệp một cách mầu nhiệm với Đức Chúa Jesus Christ trong Lễ Cưới của Chiên Con và sẽ luôn được ở bên cạnh Ngài, cùng Ngài cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời cho đến đời đời:

Vì tôi sốt sắng về các anh chị em với sự sốt sắng của Thiên Chúa; bởi tôi đã đính hôn các anh chị em cho một chồng {mà thôi}, tôi trình dâng {các anh chị em như} người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ.” (II Cô-rinh-tô 11:2).

Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và dâng sự tôn kính lên Ngài! Vì lễ cưới của Chiên Con đã đến, và vợ của Ngài đã tự mình sẵn sàng. Nàng đã được ban cho để khoác lên trang phục mịn, sạch, và trắng. Trang phục mịn là những việc làm công bình của các thánh đồ.” (Khải Huyền 19:7-8).

Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với {Ngài}. Nếu chúng ta chối bỏ {Ngài} thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ tức là chối bỏ sự cứu chuộc của Ngài. Một người chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ khi người ấy không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, quay lại sống nếp sống vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Mỗi một chúng ta vốn là tội nhân, vì chúng ta vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, như đã liệt kê trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17. Mười Điều Răn ấy được dùng làm tiêu chuẩn để phán xét mọi dân tộc, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên. Nếu lý luận rằng, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên, thì Đức Chúa Trời dùng tiêu chuẩn nào để định tội các dân tộc khác? Không lẽ chỉ có dân I-sơ-ra-ên là bị định tội khi họ vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời còn các dân tộc khác thì không bị định tội?

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cũng không hề qua đi trong thời Tân Ước, đó chỉ là sự rao giảng tà giáo của những giáo sư giả. Lời Chúa đã khẳng định:

Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho đến khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét chữ sẽ không qua đi, xa khỏi luật pháp, cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:18).

Nhưng trời và đất qua đi thì dễ hơn một nét chữ của luật pháp bị mất hiệu lực.” (Lu-ca 16:17).

Hiện nay, trời và đất vẫn chưa qua đi, sao có thể nói Mười Điều Răn trong luật pháp của Đức Chúa Trời không còn hiệu lực? Tiếc thay! Có quá nhiều người tin vào lời của các giáo sư giả hơn là tin vào Lời Chúa!

Mỗi một chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội và được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Mỗi một chúng ta bước vào trong Giao Ước Mới với Đức Chúa Trời, do Đức Chúa Jesus Christ dùng chính máu của Ngài để kết ước và bảo chứng, được Đức Thánh Linh ghi chép các luật pháp của Thiên Chúa vào trong lòng và trí của chúng ta.

Bởi đó, Ngài là Đấng Trung Bảo của giao ước mới, để sự chết {của Ngài} trở thành sự cứu chuộc những sự vi phạm dưới giao ước trước, {để} những ai đã được kêu gọi {có thể} nhận lời hứa về cơ nghiệp vĩnh hằng.” (Hê-bơ-rơ 9:15).

Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây, Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó, Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.” (Hê-bơ-rơ 10:15-16).

Các luật pháp của Thiên Chúa chính là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh, cùng với hình phạt dành cho những ai vi phạm các điều răn ấy [5].

Hê-bơ-rơ 10:26-29

26 Vì {nếu} chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, {thì} không còn tế lễ chuộc tội chừa lại {cho chúng ta}.

27 Nhưng {chỉ có} một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, {thì} chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba nhân chứng.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con của Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó kẻ ấy được nên thánh {là} ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

Sự cố tình trở lại vi phạm dù chỉ một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, như điều răn thứ tư về ngày Sa-bát, chính là sự chối bỏ ơn cứu chuộc của Đấng Christ.

Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10).

Chúng tôi tin rằng, những người thật lòng tin Chúa nhưng thiếu sự hiểu biết Lời Chúa, bị các giáo hội dẫn dắt sai lạc với sự giảng dạy nghịch Lời Chúa nên phạm điều răn thứ tư, thì sẽ không vì thế mà bị hư mất, nhưng họ bị mất đi rất nhiều ơn phước của Chúa trong đời này lẫn trong đời sau. Còn những ai đã được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội để tìm hiểu sự vâng giữ ngày Sa-bát, tức là được có dịp đọc hoặc nghe giảng về ngày Sa-bát, mà không dành thời gian đến với Chúa, cầu nguyện và tra xét Lời Chúa, để hiểu và làm theo lẽ thật, để thờ phượng Chúa trong lẽ thật, thì họ sẽ bị trật phần ân điển. Vì họ đã xem thường và bỏ qua cơ hội Đức Thánh Linh mang đến cho họ.

Kính thưa Hội Thánh,

Trong những ngày cuối cùng của năm 2018 này, chúng tôi xin mời quý ông bà anh chị em xét lại chính mình, xem mình có thật sự ở trong Hội Thánh, tức là ở trong Đấng Christ? Mình có đang ra nhiều trái? Nếu không, xin hãy ăn năn trước khi quá trễ (trước khi qua đời hoặc trước khi Đấng Christ đến). Nếu có, chúng tôi xin chúc mừng quý ông bà anh chị em. Và xin gửi đến quý ông bà anh chị em lời kêu gọi này: Hãy cứ ở lại trong Hội Thánh!

Hãy cứ ở lại trong Hội Thánh là hãy cứ hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cứ ở lại trong Hội Thánh, cứ chờ đợi sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, không rời xa Hội Thánh, không thay đổi địa vị và tình trạng nên thánh mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ quý ông bà anh chị em, dọn sẵn mỗi người không chỗ trách được cho ngày Đấng Christ hiện ra. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/12/2018

Ghi Chú

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/thoi-diem-cua-le-phuc-sinh-va-le-ngu-tuan/

[2] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh-phien-ban-moi/

[3] http://kytanthe.net/?p=587

[4] http://kytanthe.net/?p=306

[5] http://www.timhieutinlanh.net/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

[6] https://od.lk/d/MV82MzI2MTQxNV8/EstimatesOfTheNumberKilledByThePapacy.pdf

[7] http://timhieuthanhkinh.net/?p=71

[8] https://www.thoughtco.com/christianity-statistics-700533

[9] http://timhieuthanhkinh.net/hoi-thanh-01-ten-goi-y-nghia-va-dac-tinh/

Karaoke Thánh Ca: “Xin Chúa Dùng Con”:
https://www.timhieuthanhkinh.net/karaoke/xin-chua-dung-con/

Các câu Thánh Kinh được trích trong bài này là từ: “Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012”: Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.