Chào Mừng và Hướng Dẫn

4,885 views

Kính chào quý bạn đọc trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa.

Chúng tôi vui mừng được quý bạn ghé thăm khu mạng hoithanhphaiannan.net. Đây là khu mạng được lập ra để kêu gọi Hội Thánh giữa vòng dân Việt ăn năn, chuẩn bị cho ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện đến, đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

Trước khi đọc, nghe các bài khác trên trang web này, xin bạn hãy đọc tiếp dưới đây phần giải thích các thuật ngữ được dùng trên trang web này. Phần giải thích các thuật ngữ sẽ giúp bạn hiểu rõ nội dung của các bài viết và nội dung của Thánh Kinh.

Phần Giải Thích Các Thuật Ngữ

Chúng tôi sử dụng bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 (https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/)

Mỗi câu Thánh Kinh được trích dẫn dưới hình thức như sau: Nội dung của kinh văn kèm theo tên sách + số chương (đoạn) + số câu. Thí dụ, câu Thánh Kinh dưới đây được trích từ sách “Giăng,” chương thứ 3, câu thứ 16:

“Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Dưới đây là ý nghĩa một số từ ngữ chuyên biệt của Thánh Kinh và thần học theo Thánh Kinh, được dùng trên trang web này:

● THÁNH KINH: Lời của Thiên Chúa được ghi chép lại trong ngôn ngữ của loài người, gồm 66 sách, chia thành hai phần. Phần thứ nhất là những sách được chép trong Thời Giao Ước Cũ, gọi tắt là Cựu Ước. Thời Cựu Ước kéo dài từ năm 1446 TCN đến năm 27 CN. Phần thứ nhì là những sách được chép trong Thời Giao Ước Mới, gọi tắt là Tân Ước. Thời Tân Ước kéo dài từ năm 27 CN cho đến cuối Thời Vương Quốc Ngàn Năm, sau Kỳ Tận Thế.

Trong Thời Giao Ước Cũ, Lời của Thiên Chúa phán trực tiếp với những người tin nhận Ngài hoặc phán với các tiên tri, là những người Thiên Chúa dùng để thông truyền Lời của Ngài cho các dân tộc; rồi được họ ghi chép lại thành sách. Sách cuối cùng trong Thánh Kinh của Thời Cựu Ước là sách Ma-la-chi, được viết vào khoảng năm 430 TCN. Trong Thời Giao Ước Mới, Lời của Thiên Chúa được phán trực tiếp với loài người bởi Ngôi Hai Thiên Chúa, khi Ngài nhập thế làm người, tức là Đức Chúa Jesus Christ, hoặc được Đức Thánh Linh, là Ngôi Ba Thiên Chúa, thần cảm các môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ ghi chép lại thành các thư tín hoặc sách. Sách cuối cùng trong Thánh Kinh của Thời Tân Ước là sách Khải Huyền, được chép vào khoảng năm 95 CN.

CỰU ƯỚC: Cựu = cũ. Ước = giao ước. Giao ước thứ nhất Đức Chúa Trời lập với nhân loại qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Theo đó, hễ ai vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì được phước, ngược lại sẽ bị họa. Dù là giao ước của Đức Chúa Trời thiết lập với dân I-sơ-ra-ên, nhưng các dân tộc khác vẫn được hưởng phước của giao ước ấy, nếu họ vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài.

TÂN ƯỚC: Tân = mới. Giao ước thứ nhì Đức Chúa Trời lập với nhân loại qua dân tộc I-sơ-ra ên. Lý do Đức Chúa Trời thiết lập giao ước thứ nhì là vì không ai trong nhân loại có thể giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trong giao ước thứ nhất. Tất cả mọi người đều đã phạm tội, tức là phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Hậu quả của tội lỗi là sự bị phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời, tức là bị đau khổ đời đời trong hỏa ngục. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời yêu nhân loại, nên Ngài ban cho nhân loại sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài là Thiên Chúa Ngôi Con chịu sinh ra làm người trong thế gian và chịu chết để gánh thay án phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh dựng nên mới và ban cho năng lực của Đức Chúa Trời để người ấy có thể vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Giao ước mới thay thế giao ước cũ nhưng không xóa đi nền tảng của giao ước cũ, là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, giao ước mới thêm vào giao ước cũ điều khoản chuộc tội và điều khoản tái sinh người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

THẦN HỌC THEO THÁNH KINH: Môn nghiên cứu về sự thực hữu của Thiên Chúa, ý muốn và việc làm của Ngài, hoàn toàn dựa trên sự bày tỏ của chính Ngài qua Thánh Kinh.

THIÊN CHÚA: Danh từ tiếng Việt dùng để gọi Đấng Tự Có và Có Đến Mãi Mãi, là Một Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên muôn loài vạn vật, bao gồm: các thần linh trên trời, còn gọi là thiên sứ; nơi Thiên Chúa ngự, gọi là thiên đàng; vũ trụ và thế giới vật chất mà loài người chúng ta đang sống trong đó. Ngoài Thiên Chúa không thần linh nào, không vật nào tự có; tất cả đều là loài thọ tạo do Thiên Chúa dựng nên.

BA NGÔI: Ba thân vị của Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện qua ba thân vị (thường gọi là Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa Ba Ngôi): Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Linh.

Đức Chúa Cha là Thiên Chúa, Đức Chúa Con là Thiên Chúa, Đức Chúa Thánh Linh là Thiên Chúa nhưng không phải có ba Thiên Chúa. Điều này tương tự như trong một quốc gia theo chế độ “tam quyền phân lập” chỉ có một chính quyền thể hiện qua ba ngành: Ngành Lập Pháp làm ra luật, Ngành Hành Pháp thi hành luật, và Ngành Tư Pháp bảo vệ luật. Mỗi ngành có đầy đủ tư cách là chính quyền của quốc gia đó nhưng không phải có ba chính quyền.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA: Tên riêng của Thiên Chúa được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew), có nghĩa là: “Ta Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi.” Có thể dịch là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” hoặc “Đấng Hằng Sống;” khi ghép chung với danh xưng “Thiên Chúa” thì được dịch là “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.”

ĐỨC CHÚA TRỜI: Thiên Chúa Ngôi Cha, Đức Chúa Cha. Đấng ban hành mọi ý muốn của Thiên Chúa.

ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST: Thiên Chúa Ngôi Con, Đức Chúa Con. Đấng công bố và thi hành mọi ý muốn của Thiên Chúa.

Đức Chúa Con nhập thế làm người, mang tên JESUS và mang danh hiệu CHRIST, để giải bày cho nhân loại về Đức Chúa Cha và thi hành công cuộc cứu rỗi nhân loại. “Jesus” (phiên âm và phát âm là “Giê-xu”) có nghĩa: “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Giải Cứu.”

CHRIST: (phiên âm và phát âm là “Cơ-đốc” hoặc “Ki-tô” hoặc “Krist”): Nghĩa đen là người được Thiên Chúa chọn và xức dầu để làm vua, tiên tri, hoặc thầy tế lễ. Khi được dùng cho Đức Chúa Jesus thì có thể dịch là “Đấng Được Xức Dầu.”

Thời Cựu Ước, hình thức xức dầu tiêu biểu rằng người được xức dầu đã được Đức Chúa Trời chọn và ban cho một trong các chức vụ: thầy tế lễ, tiên tri, hoặc vua. Dầu là dầu ô-li-ve tinh khiết, tiêu biểu cho Thánh Linh, là năng lực từ Thiên Chúa, được tuôn đổ trên đầu của người được xức cho chảy tràn khắp thân người. Thời Tân Ước không còn hình thức xức dầu theo nghĩa đen nhưng chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ trên người được chọn. Đức Chúa Jesus trong địa vị của Đấng Được Xức Dầu, tức Đấng Christ, cùng một lúc nhận lãnh ba chức vụ từ Đức Chúa Trời. Trong chức vụ tiên tri, Ngài rao giảng về Đức Chúa Trời và vương quốc của Đức Chúa Trời. Trong chức vụ thầy tế lễ, Ngài dâng chính mạng sống mình để chuộc tội cho nhân loại. Trong chức vụ vua, Ngài hiện cai trị trong lòng những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ là Vua của muôn vua và Chúa của muôn chúa, cai trị trong Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời.

ĐỨC THÁNH LINH: Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh, Đức Chúa Thánh Linh. Đấng bảo tồn mọi ý muốn, mọi lời phán, và mọi việc làm của Thiên Chúa. Đấng tác động thần quyền trên muôn loài vạn vật. Đấng tái sinh và thánh hóa những ai ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Thánh Kinh.

Đức Chúa Thánh Linh hiện diện trong thân thể của người tin và làm theo Lời Chúa: thánh hóa người, dẫn người vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa; ban năng lực cho người để người có thể sống theo Lời Chúa; nhắc nhở, cáo trách khi người lầm lỗi; an ủi và cầu thay lên Đức Chúa Cha khi người gặp nghịch cảnh; ban cho các ơn để người thắng mọi cám dỗ, thắng mọi nghịch cảnh, và làm được mọi việc lành theo thánh ý Thiên Chúa.

THÁNH LINH: Sự sống, năng lực, thẩm quyền và các ơn của Thiên Chúa được Đức Thánh Linh ban cho người tin và làm theo Lời Chúa.

THIÊN SỨ: Những thần linh do Thiên Chúa dựng nên để phục vụ Thiên Chúa và loài người.

SA-TAN: Một trong các thiên sứ trưởng đã kéo theo một số các thiên sứ dưới quyền phản nghịch Thiên Chúa, còn bị gọi là Ma Quỷ (nghĩa là “kẻ vu khống”). Sa-tan (nghĩa là “kẻ chống nghịch”) cám dỗ loài người phạm tội chống nghịch lại Thiên Chúa và đang nắm quyền cai trị những ai không thuộc về Thiên Chúa. Một ngày không bao lâu nữa, vào cuối kỳ tận thế, Đức Chúa Jesus Christ sẽ tiêu diệt các thế lực gian ác của Sa-tan trên thế gian và giam Sa-tan lại trong vực sâu nơi âm phủ một ngàn năm. Ngài sẽ ném Sa-tan vào hỏa ngục trước khi trời mới và đất mới được thiết lập.

QUỶ SỨ, TÀ LINH: Những thiên sứ theo Sa-tan, phạm tội chống nghịch Thiên Chúa, có thể nhập vào loài người, gọi là hiện tượng bị quỷ nhập, bị tà linh nhập.

HÌNH TƯỢNG: Những tượng chạm và tượng đúc mang hình ảnh của một tà thần, hoặc hình của người nam hay người nữ, hoặc hình của con thú nào đi trên đất, hoặc hình của vật nào có cánh bay trên trời, hoặc hình của loài côn trùng nào bò trên đất, hay là hình của con cá nào ở trong nước dưới đất.

THẦN TƯỢNG: Những hình tượng, người sống, người chết, chủ nghĩa, lý tưởng, khái niệm, sở thích hay bất cứ điều gì được người ta tôn thờ và sống chết cho nó, vì nó.

TỘI LỖI: Mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm nào không đúng với tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời, tức là các điều răn và luật pháp của Ngài, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

ĂN NĂN TỘI hoặc CẢI HỐI: Đau khổ, hối tiếc vì đã làm ra tội. Không muốn tiếp tục sống trong tội. Muốn được Đức Chúa Trời tha tội, bằng lòng từ bỏ mọi việc làm tội lỗi để sống yêu thương, thánh khiết và công chính theo Lời Chúa là Thánh Kinh.

LÒNG TIN: Tin chắc một điều gì qua các chứng cớ.

ĐỨC TIN: Tin chắc một điều gì bởi trực giác, không thông qua bằng chứng. Đức tin thật đến từ Thiên Chúa giúp cho loài người hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa. Đức tin giả đến từ Sa-tan khiến cho loài người sa vào sự mê tín dị đoan, thờ lạy thần tượng.

TIN CHÚA: Công nhận và làm theo mọi lời phán dạy của Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh.

ĐƯỢC CỨU RỖI: Được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và hậu quả đời đời của tội lỗi. Quyền lực của tội lỗi bắt một người phải làm ra tội. Hậu quả đời đời của tội lỗi là hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Chỉ có sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mới có năng lực để cứu rỗi nhân loại.

TÍN ĐỒ hoặc MÔN ĐỒ CỦA ĐẤNG CHRIST hoặc CƠ-ĐỐC NHÂN (người thuộc về Đấng Christ hoặc người sống theo Đấng Christ) hoặc KI-TÔ HỮU (bạn của Đấng Christ hoặc bạn trong Đấng Christ): Người công nhận và làm theo mọi lời phán dạy của Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh; khác với tín đồ của các giáo hội, giáo phái mang danh Chúa, là người làm theo các luật lệ và truyền thống của các giáo hội, giáo phái mà bỏ qua các lẽ thật của Lời Chúa.

HỘI THÁNH: Tập thể những người công nhận và làm theo mọi lời phán dạy của Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, học thức, tài sản, địa vị trong xã hội, phái tính, tuổi tác, thời đại: “Tại đây không còn phân biệt người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự” (Cô-lô-se 3:11).

Chỉ có một Hội Thánh duy nhất do Đức Chúa Jesus Christ lập nên: “…Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Hội Thánh được gọi là:

– “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” (ICô-rinh-tô 1:2),

– “Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ” (Rô-ma 16:6),

– “Hội Thánh Trong Đức Chúa Jesus Christ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14),

– “Hội Thánh Trong Thiên Phụ” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1),

– “Hội Thánh của Thiên Chúa” (I Ti-mô-thê 3:5),

– “Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống” (I Ti-mô-thê 3:15) hoặc

– “Hội Thánh của các Thánh Đồ” (I Cô-rinh-tô 14:33).

Hội Thánh hiện diện giữa mọi dân tộc và khắp nơi. Hội Thánh hiện diện giữa lòng dân tộc Việt Nam được gọi tắt là “Hội Thánh tại Việt Nam” hoặc “Hội Thánh Việt nam.” Hội Thánh hiện diện ở một địa phương (làng, thôn, xã, quận, huyện, thành phố, tỉnh) được gọi tắt theo tên địa phương, thí dụ: “Hội Thánh tại Saigon” hoặc “Hội Thánh Saigon” cho dù có nhiều điểm nhóm họp khác nhau trong cùng một địa phương.

Hội Thánh không phải là một giáo hội. Các giáo hội, giáo phái “Cơ-đốc Giáo” tự xưng là Hội Thánh đều do loài người lập ra và không phải là Hội Thánh thật. Các giáo hội, giáo phái đó thường thêm tên của giáo hội, giáo phái vào danh xưng Hội Thánh, thí dụ: “Hội Thánh Báp-tít,” “Hội Thánh Trưởng Lão…” hoặc thêm một danh từ vào danh xưng Hội Thánh, thí dụ: “Hội Thánh Ân Điển,” “Hội Thánh Đức Tin…” Dù các giáo hội không phải là Hội Thánh nhưng trong các giáo hội có sự hiện diện của những người thật lòng tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

CƠ-ĐỐC GIÁO (CHRISTIANITY): Bao gồm tất cả các giáo hội mang danh Chúa do loài người lập nên. Cơ-đốc Giáo không phải là Hội Thánh của Chúa. Cơ-đốc Giáo bao gồm các giáo hội và các nhóm sau đây:

  1. Công Giáo (Catholicism)

  2. Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox)

  3. Chính Thống Viễn Đông (Oriental Orthodoxy)

  4. Giáo Hội Phương Đông (Church of the East)

  5. Đối Kháng (Protestantism)

  6. Những nhóm phủ nhận giáo lý Ba Ngôi (Nontrinitarian groups)

  7. Tư Tưởng Mới (New Thought)

  8. Mê-sai-a Do-thái Giáo/Cơ-đốc Nhân Do-thái (Messianic Judaism / Jewish Christians)

  9. Cơ-đốc Giáo Thần Bí (Esoteric Christianity)

GIÁO HỘI: Danh từ chung để gọi bất cứ một tổ chức tôn giáo nào do loài người lập ra. Thí dụ: Giáo Hội Phật Giáo, Giáo Hội Cao Đài, Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Tin Lành.

GIÁO PHÁI hoặc HỆ PHÁI: Danh từ chung để chỉ một tổ chức ra từ một giáo hội mà vẫn giữ các tín lý cơ bản của giáo hội đó. Thí dụ: Baptists, Methodists, Pentecostalism, Charismatics, vv… là những giáo phái ra từ Giáo Hội Đối Kháng (Protestantism), còn gọi là Giáo Hội Tin Lành.

TIN LÀNH: Tin tức tốt lành về sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua Đức Chúa Jesus Christ như được loan báo bởi thiên sứ trong đêm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10, 11).

“ĐẠO” TIN LÀNH: Một khái niệm và tổ chức tôn giáo do loài người lập ra, dùng để gọi chung các giáo phái thuộc Giáo Hội Đối Kháng. Tin vào Tin Lành của Thánh Kinh thì được sự cứu rỗi còn tin vào “Đạo” Tin Lành thì chỉ là sự tham dự một tổ chức tôn giáo mà thôi.

ĐẠO CHÚA hoặc ĐẠO ĐẤNG CHRIST: Tất cả những sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ và nếp sống theo sự giảng dạy đó; trong nguyên ngữ của Thánh Kinh gọi là “LỜI”“ĐƯỜNG LỐI,” nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời và đường lối của Đức Chúa Trời.

THUỘC THỂ: Thuộc về thế giới vật chất có hình thể mắt thường thấy được.

THUỘC LINH: Thuộc về thế giới thiêng liêng mắt thường không nhìn thấy được.

SỐNG ĐẠO: Mỗi ngày trong cuộc sống, tin cậy và làm theo mọi Lời Chúa phán dạy trong Thánh Kinh.

TRUNG TÍN: Luôn luôn hết lòng sống theo Lời Chúa, không vì bất cứ lý do gì làm nghịch lại các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

ÂN ĐIỂN: Ơn thương xót Thiên Chúa ban cho kẻ không xứng đáng được thương xót.

NGƯỜI PHA-RI-SI: Một giai cấp tôn giáo tự lập trong Do-thái Giáo, xuất hiện trong cộng đồng Do-thái từ khoảng năm 400 trước Công Nguyên. “Pha-ri-si” có nghĩa là phân cách, biệt lập, hàm ý biệt riêng ra để sống nếp sống vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đa số những người Pha-ri-si này chỉ giữ luật trên hình thức, còn bên trong thì dùng đủ mọi mưu kế để làm bất cứ điều gì có lợi cho mình, miễn sao không bị chữ nghĩa của luật pháp kết tội. Vì thế, danh từ Pha-ri-si trở nên đồng nghĩa với “kẻ giả hình.”

THẦY THÔNG GIÁO: Những giáo sư trong Do-thái Giáo chuyên về việc giảng dạy và giải thích Thánh Kinh. Họ dựa vào sự hiểu biết Thánh Kinh của mình mà đặt thêm các luật lệ khác. Những luật lệ được đặt thêm đó phần lớn là nghịch lại ý nghĩa của Thánh Kinh. Đức Chúa Jesus gọi đó là “những truyền thống của loài người.”

Nguyện nội dung của khu mạng này dẫn quý bạn đọc đến sự ăn năn và tỉnh thức, dọn mình cho ngày Chúa đến, tích cực hoàn thành những gì Chúa đã giao phó trước khi cùng với Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng. Xin quý bạn đọc sốt sắng giới thiệu khu mạng này đến với nhiều con dân Chúa. Cám ơn quý bạn!

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một con dân Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Ban Điều Hành